Thời kỳ hành đạo Thích_Ngộ_Tánh

Năm 1973, Tỳ kheo Ngộ Tánh tham gia khóa Phú Lâu Na và cùng đoàn hoằng pháp Như Lai Sứ Giả đi thuyết giảng Phật pháp tại các tỉnh Nam kỳ, đồng thời mở lớp huấn luyện Phật giáo ở Gò Công (Tiền Giang).

Cuối năm 1974, Tỳ kheo Ngộ Tánh trở về chùa Chi hội Phật giáo Ninh Hòa (nay là chùa Đức Hòa), thừa tiếp huấn dụ của Hòa thượng bổn sư xây dựng Thiền thất Viên Ngộ (nay là chùa Viên Ngộ), tại thôn Ninh Ích, xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Những thập niên sau đó, ông cùng sự chung sức của hai sư đệ là Tỳ kheo Thích Ngộ Tịnh và Tỳ kheo Thích Ngộ Trí, phát dương Chùa Cốc làm nơi tu học cho chư Tăng thuộc tông môn Viên Ngộ.

Sau năm 1975, Việt Nam lâm vào tình hình khó khăn chung, ông cùng đoàn thể chư Tăng phát rẫy, làm ruộng, lao động để tự túc kinh tế, song song việc hành trì và lập đạo tràng hướng dẫn Phật tử tu tập.

Từ năm 1976, Tỳ kheo Ngộ Tánh được bổ nhiệm làm Phó ban Đại diện kiêm Thư ký Ban Đại diện Phật giáo Ninh Hòa.

Năm 1990, Tỳ kheo Thích Ngộ Tánh trụ trì chùa Chi hội Phật giáo Ninh Hòa. Cũng từ khoảng thời gian này, trong cương vị Chánh Đại diện Phật giáo huyện Ninh Hòa, ông mở nhiều lớp giáo lý Phật học dạy cho cư sĩ tại gia, các lớp bổ túc giáo lý cho Tăng đoàn mùa kiết hạ, đồng thời thúc đẩy tổ chức Gia đình Phật tử sinh hoạt mạnh dần trở lại từ sau chiến tranh.

Năm 2000, theo di nguyện của cố Hòa thượng Thích Hạnh Hải, Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa đã bổ nhiệm Tỳ kheo Ngộ Tánh giữ chức trụ trì Tổ đình Thiên Bửu. Hai năm sau, ông đã khai giảng khóa đầu tiên lớp Sơ cấp Phật học Ninh Hòa, đặt tại Tổ Đình Thiên Bửu Hạ với mục đích truyền dạy Phật học cơ bản cho tu sĩ xuất gia. Song song đó, Tỳ kheo Thích Ngộ Tánh còn triển khai công tác trùng tu chùa Tổ Đình Thiên Bửu, đến năm 2003 thì hoàn thành.

Năm 2005, Tỳ kheo Thích Ngộ Tánh phát nguyện đại trùng tu chùa Chi Hội, đổi tên thành chùa Đức Hòa; năm 2012, tiếp tục xây dựng Tháp Báo Ân tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức[16]; năm 2016, xây thêm giảng đường; đến ngày 06 tháng 5 năm 2018 chính thức hoàn công và khánh tạ lạc thành.[17]

Ngoài ra, ông cũng đã khai sơn những ngôi chùa, tịnh thất khác trong địa bàn thị xã Ninh Hòa, như: chùa Đức Sơn (xã Ninh Sơn)[18], chùa Khánh Sơn (xã Ninh Thượng), Tịnh thất Hương Thủy (xã Ninh Thủy), chùa Mỹ Sơn (xã Ninh Lộc), chùa Hương Sơn (xã Ninh Ích), chùa Tây Thiên (xã Ninh Tây)...

Năm 2006, Tỳ kheo Ngộ Tánh được Giáo hội Phật giáo bổ nhiệm chức vụ Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa.

Năm 2012, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII[19], Tỳ kheo Ngộ Tánh được tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa thượng, từ đó được gọi là Hòa thượng Ngộ Tánh.

Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Khánh Hòa lần thứ VI (nhiệm kỳ 2017-2022) [20], Hòa thượng đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thích_Ngộ_Tánh https://quangduc.com/a69881/tieu-su-truong-lao-ht-... https://phatsuonline.com/cao-pho-truong-lao-hoa-th... https://phatgiao.org.vn/danh-sach-thanh-vien-hoi-d... https://lientongtinhdo.com/thanh-phan-nhan-su-ban-... http://phatgiaokhanhhoa.vn/?ArticleId=78069971-0e2... http://phatgiaonamdinh.vn/tin-tuc/tin-xa-hoi/ht.-t... https://quangduc.com/a27584/dai-hoi-dai-bieu-phat-... https://nigioikhatsi.net/su-kien/bts-pg-thi-xa-nin... http://daibieunhandankhanhhoa.gov.vn/?ArticleId=7f... https://www.phattuvietnam.net/khanh-hoa-to-dinh-sa...